Chai lọ,rác thải nhựa tại Đài Loan được tái chế như thế nào.
Mô hình quản lý xử lý rác có chính quyền giám sát và sự tham gia của nhà sản xuất đã giúp Đài Loan tái chế 50% lượng rác thải.
Trong khi Việt Nam đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc tăng cường trách nhiệm nhà sản xuất về quản lý chất thải Đài Loan đã thực hiện công cuộc này 30 năm và có sự tham gia từ phía chính quyền, doanh nghiệp sản xuất và cả người dân.
Đó là nhận định của ông Chun-hsu Lin, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế Xanh, Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về mô hình tái chế do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm 22/11.
Theo ông Chun-hsu Lin, EPR (the Extended Producer Responsibility - Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất) là giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm trong việc xử lý và tái chế rác thải hậu tiêu dùng. Từ cơ chế EPR, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã thành lập các liên minh tái chế (PRO) với sự tham gia của đơn vị sản xuất, đơn vị tái chế và các thể chế tài chính trung gian.
Chun-hsu Lin,Phó giám đốc trung tâm kinh tế xanh,viện nghiên cứu Trung Hoa
Tại Hội thảo, mô hình EPR tại Đài Loan nhận được nhiều sự quan tâm bởi quá trình xây dựng từ năm 1987, đã có nhiều thành công cho đến nay vẫn hiệu quả.Theo đó, các đơn vị sản xuất sẽ phải đóng thuế dựa trên số lượng sản phẩm rác thải cuối cùng thải ra môi trường. Thể chế tài chính trung gian sẽ điều phối khoản tiền, trợ giá cho các đơn vị tái chế để xử lý rác thải hoặc tái đầu tư, xây dựng các công nghệ xử lý rác.
Từ năm 1974, Đài Loan đã quy định, nhà sản xuất hoặc nhập khẩu vật phẩm và bao bì phải chịu trách nhiệm về việc tái chế, dọn dẹp và xả rác. Trên cơ sở này, từ năm 1984 đến năm 1999, hàng loạt quy định quản lý rác thải (WDA) đã được Đài Loan đưa ra.
Ví dụ, năm 1987, nhà quản lý đưa ra nguyên tắc: "Người gây ô nhiễm phải trả chi phí" hay ban hành chương trình tái chế bốn trong một vào năm 1997. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phần lớn các cơ chế đều được ban hành một cách tự do, không có chính sách hay chiến lược cụ thể. Bắt đầu từ năm 1998, việc quản lý hoạt động tái chế mới có sự tham gia của chính phủ với việc thành lập các PRO (Liên minh tái chế).
Mô hình quản lý tái chế của Đài Loan đã tạo được sự khác biệt bởi có sự tham gia giám sát của chính quyền thông qua Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Các bên liên quan chính bao gồm người dân, nhà sản xuất, đơn vị tái chế và chính quyền. Theo đó người dân phải có trách nhiệm phân loại rác và xả rác đúng nơi quy đinh. Các đơn vị sản xuất phải đăng ký lượng rác thải, báo cáo sản xuất và nộp chi phí xử lý rác cho EPA. Có một cơ quan đứng ra đảm nhiệm việc quản lý quỹ, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp trợ giá cho các đơn vị tái chế.
Bên cạnh các chương trình bắt buộc theo quy định của EPA, Đài Loan cũng thực hiện nhiều chương trình ngoài thỏa thuận chung, như chương trình tiếp nhận thu gom hộp xốp Styrofoam. Theo đó xốp sẽ được thu gom để tái chế cho sản xuất bao bì. Hiệp hội tái chế xốp phải trả cho EPA ít nhất là 17 USD cho mỗi xe tải xốp.
Với việc áp dụng sâu rộng trong khối sản xuất và người dân, đến năm 2015, tỷ lệ thu gom rác đã tăng đáng kể, trong đó đồ thủy tinh tăng gần 90%, đồ đựng bằng nhựa tăng 57,5%...Theo ông Chun-hsu Lin, hiện nay Đài Loan đã có thể tái chế khoảng 52% tổng lượng rác thải, còn lại là các hoạt động đốt và chôn lấp.